Kết thúc năm học lớp 11, nhiều học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè làm quen với chương trình tiếng Anh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Học trong sách giáo khoa là chưa đủ?
Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hơn 50% bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa qua dưới điểm trung bình và đây cũng là môn có điểm trung bình cả nước thấp nhất. Điều này khiến không ít học sinh sắp bước vào lớp 12 (năm học 2022-2023) cảm thấy lo lắng nên chuẩn bị học tiếng Anh ngay từ dịp hè.
Chẳng hạn, Lê Phạm Diệu Thảo (học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết tiếng Anh không phải thế mạnh của mình và từ vựng là chướng ngại lớn nhất nên rất chú trọng phần này. Nữ sinh nhận thấy việc chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa không giúp học sinh “chinh phục” điểm cao môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, Diệu Thảo đi học thêm tiếng Anh ngay từ hè.
Tương tự, Trần Bảo Ngân (học sinh Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng học sinh sẽ khó đạt điểm cao nếu chỉ học trong sách giáo khoa. Trước khi bước vào năm học mới 2022-2023, Ngân đã xác định lựa chọn khối A1 (gồm các môn toán, vật lý, ngoại ngữ) thi đại học nên bắt đầu tự ôn luyện từ hè và đặt mục tiêu đạt điểm 9+ môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Còn Ngô Thị Ngọc Linh (học sinh Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM) thì lo sợ điểm tiếng Anh sẽ không khả quan nên cố gắng ôn luyện từ những kiến thức cơ bản để “lấy gốc” trước khi bước vào lớp 12.
Kinh nghiệm từ các thủ khoa
Trước những băn khoăn của học sinh chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp THPT, các thủ khoa, á khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chia sẻ một số bí quyết học môn tiếng Anh.
“Học tại trường và học thêm qua mạng là hai hình thức trau dồi môn tiếng Anh của mình”, Đàm Văn Hiển, á khoa toàn quốc khối A1- đạt điểm 10 môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, chia sẻ. Hiển cho rằng tiếng Anh là môn mà học sinh cần ôn tập thường xuyên mỗi ngày nên việc kết hợp nhiều hình thức hay nguồn tài liệu sẽ giúp nắm chắc kiến thức.
Theo Hiển, học sinh nên nắm chắc ngữ pháp rồi mới mở rộng và nâng cao vốn từ. “Với từ vựng, các bạn cần kiên trì học mỗi ngày. Trong giai đoạn học từ mới, việc quên từ là điều bình thường. Làm nhiều bài tập như dạng đọc điền, đọc hiểu sẽ giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn”, Hiển nói.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thảo My (học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM – đạt 9,6 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT 2022) cho rằng học sinh cần xác định sớm tổ hợp ôn thi, kết hợp với nền tảng kiến thức được xây dựng bài bản qua thời gian dài, bắt đầu từ cuối năm lớp 11.
Đồng quan điểm trên, cô Vũ Thị Mai Phương (giáo viên ôn thi trực tuyến môn tiếng Anh tại Hà Nội) lưu ý: “Trước thềm năm học mới, học sinh nên xác định mục tiêu để sắp xếp thời gian, lên kế hoạch ôn tập hiệu quả vì hiện tại, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể tham dự một vài kỳ thi khác nhằm tăng khả năng trúng tuyển vào ĐH”.
Tránh học nhồi nhét
Theo kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô Mai Phương cho hay học sinh nên dành 3-4 tháng học ngữ pháp, từ vựng trong sách giáo khoa trước khi học mở rộng những nội dung khác. “Sau đó, các em có thể học những chuyên đề khó hơn trong đề thi như collocations (cụm từ cố định), phrasal verbs (cụm động từ), đọc điền từ và đọc hiểu để giành điểm 8+ và 9+. Cách ngày thi khoảng 2-3 tháng, học sinh nên bắt đầu luyện giải đề và tổng ôn kiến thức”, cô chia sẻ.
Cô Mai Phương đồng thời lưu ý: “Học sinh thường nghĩ rằng ngữ pháp quan trọng bậc nhất trong đề thi. Tuy nhiên, theo đề thi tốt nghiệp THPT 2022, ngữ pháp chỉ chiếm 4,0/10 điểm. Ngoài ngữ pháp, rất nhiều nội dung các em cần lưu ý như: ngữ âm, trọng âm, từ vựng, đọc điền hay đọc hiểu”.
Nhiều học sinh không đạt điểm tốt ở môn tiếng Anh vì thiếu vốn từ cần thiết. Về vấn đề này, cô Mai Phương chỉ ra rằng học sinh không chú trọng học từ vựng mỗi ngày mà chỉ học nhồi nhét khi đến gần kỳ thi. “Do đó, để nhớ được từ vựng lâu, học sinh cần phải tạo ấn tượng cho mỗi từ vựng mà mình học, mỗi ngày một ít nhưng đều đặn, chứ không phải học 100 hay 1.000 từ mỗi ngày. Các em hãy cố gắng dùng những từ vựng đã học trong cuộc sống hàng ngày, để vừa nhớ lâu hơn, vừa tạo cảm giác thoải mái khi học ngôn ngữ này”, cô Mai Phương chia sẻ.
So sánh giữa các phương pháp học tiếng Anh tại nhà, trên trường và ở trung tâm, cô Mai Phương nhận định: “Theo tôi, mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tự học tại nhà sẽ phù hợp với những bạn có tính tự lập cao. Tuy nhiên, cách học này lại bất cập so với tại trường và trung tâm ở chỗ, khi học sinh chưa chắc về một nội dung nào đó, tâm lý “ngại” hỏi thầy cô có thể khiến các em hiểu sai về nội dung đó. Ngoài ra, khi tự học, học sinh đôi khi sẽ khó tìm kiếm những nguồn tài liệu đáng tin cậy để tham khảo”.
Khi tự học tiếng Anh ở nhà, học sinh nên chia kiến thức để học, không nên học cùng lúc nhiều nội dung, sẽ dễ bị nản và không nên ngại tham vấn thầy cô hay bạn bè nếu có điểm nào không hiểu rõ, theo cô Mai Phương.
(Nguồn: Báo Thanh niên)